Covid-19 bùng phát lần hai gây ảnh hưởng đặc biệt lớn tới kinh tế doanh nghiệp, theo kết quả từ khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân.

1. Dòng tiền luân chuyển khó khăn

“Tác động của làn sóng đại dịch thứ hai này tới doanh nghiệp đặc biệt lớn”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, chia sẻ về kết quả khảo sát. Theo đó, những con số điển hình như sau:
  • 2% số doanh nghiệp đã giải thể.
  • 20 % số doanh nghiệp được hỏi đã dừng hoạt động.
  • 76% số doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng không cân đối được thu – chi.
  • Chỉ có 2% số doanh nghiệp nói rằng tạm thời chưa bị tác động.
Kinh tế doanh nghiệp đang suy thoái
Kinh tế doanh nghiệp đang suy thoái
Ngoài ra, những con số trên vẫn chưa hẳn là vấn đề nhức nhối khi:
  • 81% số doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất là đứt đơn hàng, không có hợp đồng mới.
  • 72% số doanh nghiệp cho biết khó khăn thứ hai là phải lo các khoản chi phí liên quan đến người lao động như trả lương và đóng bảo hiểm nộp phí công đoàn…
  • 42-45% doanh nghiệp cho biết khó khăn là lo chi phí cho nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào, chi phí thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng…

2. Dòng tiền của doanh nghiệp đang dần cạn kiệt

Cụ thể là:Theo khảo sát, ở đợt dịch lần đầu, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là đứt gãy chuỗi cung, thì bây giờ vấn đề căng thẳng nhất là dòng tiền, doanh nghiệp giảm doanh thu, thậm chí không có doanh thu, không có khả năng thanh toán…
  • 76% doanh nghiệp được hỏi cho biết không cân đối được thu – chi,
  • Trong đó 54% doanh nghiệp cho biết dòng tiền vào chỉ đáp ứng được 50% chi phí.
Dòng tiền doanh nghiệp sẵn có
Dòng tiền doanh nghiệp sẵn có

3. Gánh nặng lớn nhất là tiền thuê đất, mặt bằng kinh doanh giá rẻ

Một số hiệp hội doanh nghiệp chỉ rõ, nhiều doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước đang phải chịu gánh nặng lớn nhất. Nguyên nhân là do điều chỉnh chính sách và cách tính giá thuê đất khiến tiền thuê đất của Nhà nước năm 2020 tăng đột biến. Có những doanh nghiệp phải trả tiền thuê đất cao gấp 3 – 4 lần so với năm 2019. Số tiền trả tiền thuê đất của các doanh nghiệp có diện tích sử dụng đất lớn như doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, kinh doanh kho bãi, logistics tăng vài chục phần trăm tới hàng trăm phần trăm so với năm 2019. “Đây là vấn đề gây áp lực nghiêm trọng với doanh nghiệp vì phần lớn doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp đóng băng hoạt động như doanh nghiệp ngành du lịch khách sạn”, bà Thủy nói. Các doanh nghiệp cho rằng từ nay tới cuối năm, nếu tình hình Covid-19 ở Việt Nam và trên toàn cầu không có tín hiệu khả quan hơn thì số doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời hoặc giải thể sẽ còn tăng.
Những chính sách doanh nghiệp đã thực hiện với người lao động
Những chính sách doanh nghiệp đã thực hiện với người lao động
Cuộc khảo sát cũng cho thấy hệ luỵ nghiêm trọng của làn sóng dịch thứ 2 là hiện tượng cắt giảm lao động đã bắt đầu diễn ra trên diện rộng. Ở đợt dịch trước, phần lớn doanh nghiệp đều cố gắng giữ người lao động, không sa thải. Đến nay, hơn 47% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, bán vé phần lớn sa thải 100% lao động. Tỷ lệ sa thải nhân viên ở doanh nghiệp lữ hành quốc tế là 80%. Các doanh nghiệp du lịch lớn cũng phải sa thải khoàng 40-50% nhân viên. Lãnh đạo các doanh nghiệp nói rằng chi phí tuyển dụng lại là rất cao nên đã áp dụng nhiều biện pháp giữ chân người lao động, nhưng do khó khăn quá nên không còn lựa chọn nào khác.

4. Đã có sự suy giảm niềm tin do chính sách hỗ trợ khó tiếp cận

Một vấn đề rất quan trọng phải lưu tâm từ kết quả khảo sát là đã có sự suy giảm niềm tin của nhiều doanh nghiệp, do nhìn nhận rằng chính sách đã ban hành thiếu khả năng để được thực thi, dẫn tới kém phát huy hiệu quả. Bà Thủy cho biết, ở những lần khảo sát trước, doanh nghiệp nhiệt tình trăn trở, suy nghĩ, hào hứng nêu ý kiến đóng góp để Chính phủ đưa ra chính sách hiệu quả nhất nhằm giúp họ duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế. Nhưng lần này, sự hào hứng đó đã không còn nữa, thậm chí một số doanh nghiệp còn tỏ ra thất vọng vì chính sách đã ban hành khó tiếp cận, kém hiệu quả và doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần mà gần như không có thay đổi.

5. Những thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt trong 6 tháng tới

Từ kết quả khảo sát, Ban IV đề nghị quá trình làm chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, chính sách phải nhanh ban hành và điều kiện phụ hợp thực tế, được thực thi nhanh. Gói hỗ trợ tới đây cần tạo động lực cho doanh nghiệp. Thay vì hỗ trợ doanh nghiệp đã kiệt quệ, đổ vỡ thì nên hướng tới chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm dòng tiền chi ra.
Thách thức tài chính lớn
Thách thức tài chính lớn
Sức chống chịu của phần lớn doanh nghiệp hiện giờ rất mỏng, đặc biệt dòng tiền để duy trì hoạt động đang là vấn đề vô cùng khó khăn, nên đề nghị miễn, giãn, hoãn, giảm các khoản chi bằng các chính sách như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020; miễn nộp phí công đoàn trong năm 2020 và 2021. .. Báo cáo cũng đề cập, Quốc hội có thể giảm tối thiểu 50% các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020, thậm chí kéo dài sang 2021, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kịch cầu tiêu dùng sau dịch. Hiện nay, các doanh nghiệp rất cần vốn lưu động duy trì sản xuất kinh doanh, lao động. Việc bỏ thêm 10% thuế VAT và phải đợi tới cuối năm mới được hoàn trả gây khó khăn cho các doanh nghiệp, cũng khó để thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng với sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng. Và chính sách ban hành phải được thực thi nhanh và thuận tiện, đồng bộ từ cấp trung ương tới cấp địa phương, đẩy mạnh trực tuyến các quy trình thủ tục hành chính. Chế tài mạnh với các khâu thực thi đi ngược chủ trương “tạo thuận lợi” của Chính phủ cũng được nhiều doanh nghiệp khuyến nghị.

Theo Baomoi.com