NỘI LỰC TĂNG TRƯỞNG MẠNH MẼ CỦA KINH TẾ VIỆT NAM

Theo đánh giá, kinh tế Việt Nam vẫn đủ nội lực để duy trì tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2020.

1. Một Số Chính Sách Tăng Trưởng Cơ Bản

Để đảo ngược xu hướng giảm của tăng trưởng kinh tế do đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI suy yếu, Chính phủ đã có những bước đi quyết liệt nhằm thúc đẩy đầu tư công. Ngày 6/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công sửa đổi, quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn và chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm ngăn chặn tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ cũng cho phép chuyển vốn đầu tư công từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tốc độ giải ngân nhanh hơn. 1 Nhờ những chính sách quyết liệt này, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (đầu tư công) trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 157.400 tỉ đồng. Đầu tư công tiếp tục tăng tốc trong tháng 7, với giá trị giải ngân đạt 45.700 tỉ đồng, tăng 13,6% so với tháng 6. Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân tăng 27,2% so với cùng kỳ lên 203.000 tỉ đồng (cao hơn mức tăng 4,7% của 7 tháng đầu năm 2019). Hầu hết các dự án đầu tư công là đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản với thời gian thi công tương đối dài từ 2-4 năm.

2. Điểm Sáng Từ Xuất Khẩu

Thương mại toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại trong năm 2020 do chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy bởi đại dịch COVID-19. Theo dự báo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổng giá trị xuất nhập khẩu trên toàn cầu trong năm 2020 có thể giảm 13% so với năm trước. Bất chấp triển vọng thương mại toàn cầu ảm đạm, Việt Nam nổi bật là một trong số rất ít quốc gia duy trì được mức tăng trưởng xuất khẩu khả quan trong 7 tháng đầu năm 2020. Cụ thể, giá trị xuất khẩu trong tháng 7 của Việt Nam tăng 10,2% so với tháng trước lên 24,9 tỉ USD (tăng 8,2% so với cùng kỳ), là mức xuất khẩu theo tháng cao nhất kể từ tháng 9/2019. 2 Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước lên 147,6 tỉ USD. Sự tăng trưởng tích cực được thúc đẩy bởi khối doanh nghiệp trong nước. Với tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2020 tăng 13,7% so với cùng kỳ lên 52,2 tỉ USD. Trong khi giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI giảm 4,2% so với cùng kỳ xuống 95,4 tỉ USD. Theo VNDirect, số liệu này đã chứng minh cho nhận định “Việt Nam đang được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung” khi một phần nhỏ các đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã được chuyển sang các công ty của Việt Nam. 3 Trong 7 tháng đầu năm 2020, nhiều mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu cao, bao gồm gạo, phân bón, máy tính, dây và cáp cách điện… Ngược lại, một số mặt hàng tăng trưởng âm bao gồm thuỷ sản, rau quả, giày dép, than đá…

3. Nhập Khẩu Vẫn Là Mã Nguồn Đáng Chú Ý

Về nhập khẩu, luỹ kế 7 tháng đầu năm 2020, giá trị nhập khẩu giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 xuống còn 139,2 tỉ USD do nhu cầu tiêu dùng trong nước suy yếu trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp tăng và thu nhập của người lao động thấp hơn cũng như do đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, thặng dư thương mại trong 7 tháng đầu năm 2020 đã tăng mạnh lên mức 8,4 tỉ USD, từ mức thặng dư 1,7 tỉ USD của cùng kỳ năm 2019. Cho cả năm 2020, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 3,5% trong kịch bản cơ sở (Việt Nam có thể khống chế hoàn toàn làn sóng COVID-19 thứ 2 vào cuối quý III/2020). 4 “Chúng tôi duy trì đánh giá tích cực đối với triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn nhờ hưởng lợi từ nhu cầu bên ngoài phục hồi sau COVID-19 và xu hướng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam”, VNDirect nhận định.

Theo Brandvietnam

 

Bài viết liên quan: